Kinh nghiệm hay nên biết khi đầu tư cho thuê phòng trọ cao cấp
– Trình độ quản lý bị giới hạn như quản lý an ninh trật tự kém, thu tiền thuê trễ hạn, xử lý những sự cố (nghẹt hố ga, cầu cống…), bảo dưỡng và duy tu (sắp xếp trang trí lại nội thất, sơn lại phòng khi khách dọn đi).
Mô hình kinh doanh phòng trọ cho thuê cao cấp đang thu hút khá nhiều người, tuy nhiên đây không phải là kênh đầu tư dễ dàng, kênh đầu tư hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi bạn phải vượt qua không ít thách thức nếu muốn có lợi nhuận.
Hiện nay, với tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ, mức sống dân cư đang tăng lên, thị trường thiếu hụt những khu nhà trọ cho thuê được quản lý tốt, phát triển chuyên nghiệp và giá cả hợp lý.
Diện tích phòng cho thuê phổ biến từ 15-20 m2, gần trung tâm với giá từ 3,5-4,5 triệu đồng/phòng/tháng trở lên. Vị trí của phòng trọ cao cấp cho thuê thường khá thuận lợi, kết nối với khu vực trung tâm nhanh và dịch vụ tốt.
Dưới đây là một số kinh nghiệm nếu bạn có ý định kinh doanh lĩnh vực này.
1. Trước khi đầu tư cho thuê phòng cao cấp, bạn cần phải khảo sát nguồn lực của mình đang có và chọn phân khúc ít có sự cạnh tranh nhất. Cần xem xét kỹ càng địa bàn hoạt động và vị trí để lựa chọn phân khúc phù hợp với nguồn lực về tài chính cũng như quỹ đất trước khi bắt đầu với loại hình kinh doanh này.
Nếu giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn, bạn có thể lựa chọn mô hình kinh doanh phòng trọ giá rẻ, bình dân rồi về lâu dài mới chuyển sang hình thức cho thuê cao cấp.
2. Định vị chiến lược và đánh giá nguồn cầu của phân khúc phòng trọ cao cấp cho thuê.
Không chỉ xem xét nguồn cung, bạn phải xem xét nguồn cầu trước khi bắt tay vào đầu tư. Hãy nghiên cứu kỹ thị trường, nhu cầu của dân cư quanh đó xem có khả thi không, mức sống của họ ra sao, có thể bỏ ra bao nhiêu tiền để thuê nhà một tháng… Nếu bạn bỏ tiền làm mà không có nhu cầu thuê nhà cao cấp thì sẽ rất lãng phí.
Bạn phải am hiểu thị trường, phân khúc này hướng đến đối tượng là người có thu nhập ổn định với mức khá trở lên, chưa mua nhà và sẵn sàng thuê loại phòng trọ cao cấp để có được chất lượng cuộc sống tốt.
3. Chọn mô hình đầu tư thích hợp. Hãy xem xét nên chọn mô hình đầu tư thế nào để có cơ hội thành công cao hơn. Bạn có thể tự mua đất, tự xây dựng lên rồi vận hành cho thuê hoặc đã có sẵn đất, chỉ xây dựng và cho thuê, thậm chí nhiều người còn “thuê để cho thuê lại”. Tùy vào nguồn vốn ít hay nhiều mà bạn có thể lựa chọn một trong những phương án trên.
4. Kiểm soát kinh phí đầu tư ban đầu. Đầu tư vào phân khúc nhà trọ cao cấp đòi hỏi bạn cũng phải bỏ số vốn ra không nhỏ. Do đó phải hết sức cân nhắc để kiểm soát số tiền ban đầu.
Nếu mua đất và xây dựng rồi khai thác cho thuê sẽ cần thời gian thu hồi vốn trong thời gian dài, nên chọn những khu vực nội thành để giá thuê được tốt nhất để giảm thời gian thu hồi vốn.
Nếu có đất, xây dựng rồi khai thác cho thuê, thời gian thu hồi vốn tương đối nhanh, nội thành vẫn là khu vực nên lựa chọn đầu tư.
Nếu chỉ đi thuê sau đó cho thuê lại sẽ thu hồi vốn nhanh chóng, tuy nhiên bạn sẽ gặp khó khăn hơn khi tìm nguồn cung (phòng ốc) và khách hàng thuê. Có thể phải đầu tư thêm nội thất nhưng khoản tiền đó được lấy lại một phần từ tiền đặt cọc của người thuê.
5. Tiết giảm kinh phí đầu tư bằng nhiều hình thức. Hoạt động kinh doanh phòng trọ cao cấp cho thuê vẫn có vô vàn khoản phí không tên cần phải chi: thợ duy tu bảo dưỡng, lao công, bảo vệ, thợ điện – nước… Bạn cần cân nhắc từng khoản chi một cách hợp lý, cặn kẽ để tránh bị đội chi phí.
6. Quản lý khách thuê phòng. Ngay từ đầu, bạn nên sàng lọc khách thuê. Để tránh những rắc rối về sau, nếu cảm thấy không an tâm và nghi ngờ thì nên thẳng thắn từ chối khách. Thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú cho khách hàng thuê thật sớm và nhanh với công an xã, phường cũng là một trong các cách giúp bạn an tâm hơn.
7. Lưu ý các rủi ro: Có rất nhiều khó khăn, rủi ro mà bạn phải đối mặt trong quá trình đầu tư và cho thuê nhà trọ cao cấp.
– Chọn lựa sai phân khúc (quá thấp và quá cao so với nhu cầu) dẫn tới việc thu hồi vốn chậm hơn so với dự tính.
– Trình độ quản lý bị giới hạn như quản lý an ninh trật tự kém, thu tiền thuê trễ hạn, xử lý những sự cố (nghẹt hố ga, cầu cống…), bảo dưỡng và duy tu (sắp xếp trang trí lại nội thất, sơn lại phòng khi khách dọn đi).
– Khả năng tìm kiếm khách thuê không tốt, nhiều phòng bị trống làm suy giảm lợi nhuận, doanh thu. Bên cạnh đó, khi nguồn lực về tài chính có hạn, việc xoay vòng vốn không kịp cũng dễ dẫn tới thua lỗ. Rủi ro lớn nhất là việc quản lý không tốt nguồn tiền mà khách hàng đặt cọc.
8. Chuẩn bị giải pháp để phòng tránh thua lỗ
Kinh doanh bao giờ cũng phải chủ động và làm chủ đối phó với những thất bại, thua lỗ bất ngờ không đoán trước được. Về vốn, đây là suất đầu tư lâu dài nên bạn phải trường vốn, hạn chế vay mượn. Về mặt tinh thần, giữ vững quyết tâm, không bỏ cuộc giữa chừng, cần nhiều sự nhẫn nại, cẩn thận, tỉ mỉ. Bạn không thể đòi hỏi phải có kết quả ngay trong thời gian ngắn. Về ứng xử xã hội, cần phải giao tiếp tốt, biết chú ý lắng nghe, xử lý linh hoạt, sẵn sàng phục vụ người khác. Về chuẩn bị kiến thức, luôn học hỏi kinh nghiệm để cải tiến dịch vụ không ngừng.
9. Tận dụng ưu điểm nguồn tiền cho thuê ổn định bất chấp những điều kiện của thị trường địa ốc. Nếu có từ 10-20 phòng cho thuê trở lên thì bạn hoàn toàn có thể an tâm đối với khoản tiền thuê hàng tháng thu lại được. Nếu phải vay ngân hàng, khoản tiền đều đặn này có thể giúp bạn giải quyết được bài toán trả lãi vay và nợ gốc.
Leave a Reply